Thời kỳ 1965-1970 Nội_chiến_Campuchia

Bối cảnh

Tuyến tiếp vận trên biển và trên đất liền: đường mòn Hồ Chí Minh và đường mòn Sihanouk

Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Campuchia năm 1953. Theo Hiệp định Genèva, Campuchia là một nước trung lập, quân đội kháng chiến của Mặt trận Issarak Thống nhất sáp nhập vào quân đội Hoàng gia. Trong những năm đầu, Norodom Sihanouk thi hành chính sách trung lập, tuy nhiên do có các cuộc xâm nhập của quân đội Việt Nam cộng hòa năm 1958, và Mỹ ngày càng can thiệp vào nội bộ Campuchia, do đó Sihanouk ngày càng có thái độ thiên tả, quan hệ thân mật hơn với các nước xã hội chủ nghĩa, làm ngơ cho phía Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập các căn cứ và con đường chi viện từ bắc vào nam Việt Nam dọc theo đường biên giới.

Từ đầu cho tới giữa thập kỷ 1960, chính sách thiên tả của hoàng thân Norodom Sihanouk đã giữ cho quốc gia Campuchia khỏi bị cuốn vào vòng xung đột tại Lào và Nam Việt Nam.[4] Cả Trung Quốc lẫn Bắc Việt Nam đều không chống đối tuyên bố của Sihanouk rằng ông đại diện cho chính sách chính trị "tiến bộ", và nhóm lãnh đạo đảng đối lập cánh tả chính, đảng Pracheachon, đã được hợp nhất vào bộ máy chính quyền.[5] Ngày 3 tháng 5 năm 1965, Sihanouk cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, và như vậy chấm dứt nguồn viện trợ từ Hoa Kỳ, rồi quay sang Trung Quốc và Liên Xô để tìm kiếm viện trợ kinh tế và quân sự.[6]

Tới cuối thập kỷ 1960, chính sách đối nội và đối ngoại tinh tế của Sihanouk bắt đầu thất bại. Sau một âm mưu đảo chính do Mỹ giật dây năm 1965, năm 1966, hoàng thân ký một thỏa thuận với Trung Quốc, theo đó cho phép một lực lượng lớn Quân đội Nhân dân Việt NamMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được triển khai và thiết lập các căn cứ hậu cần tại miền giáp giới phía đông Campuchia.[7] Ông cũng chấp thuận cho phép sử dụng cảng Sihanoukville để các tàu mang cờ các quốc gia cộng sản chuyên chở vũ khí và vật tư tiếp tế cho các hoạt động quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền nam Việt Nam.[8] Những thỏa hiệp này vi phạm sự trung lập của Campuchia, vốn được bảo đảm bởi hiệp định hòa bình Geneva năm 1954.

Sihanouk tin tưởng rằng Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, cuối cùng sẽ giành được quyền kiểm soát bán đảo Đông Dương, rằng "quyền lợi của chúng ta sẽ được đảm bảo vững chắc nhất bằng cách thỏa hiệp với phe cuối cùng sẽ thống trị toàn châu Á– và đưa ra các điều khoản trước khi phe này giành được thắng lợi– nhằm thu được những điều khoản có lợi nhất"[7]

Tuy nhiên cùng năm đó, Sihanouk cho phép bộ trưởng quốc phòng, tướng Lon Nol - là một người thân Hoa Kỳ, đàn áp các hoạt động của phe cánh tả, nghiến nát đảng Pracheachon bằng cách buộc tội thành viên của đảng này hoạt động phục vụ Hà Nội.[9] Cùng lúc, Sihanouk cũng đánh mất sự ủng hộ của phe cánh hữu Campuchia, kết quả của việc ông không nhận thức được tình hình kinh tế suy đồi (bị trầm trọng thêm bởi việc mất đi nguồn xuất khẩu gạo, do lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam thu mua mất) và do sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng quân sự cộng sản trên đất Campuchia.[10]

Ngày 11 tháng 9, Campuchia tiến hành cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Nhờ vào các thủ đoạn và nhờ vào hăm dọa, phe bảo thủ thắng cử, thu được 75% số ghế tại Quốc hội (khiến Sihanouk cũng phải kinh ngạc).[11][12] Lon Nol được chọn làm thủ tướng bởi phe cánh hữu, và Sirik Matak, một thành viên thuộc phái siêu bảo thủ và đồng thời là một hoàng thân dòng Sisowath của hoàng tộc - cũng là kẻ thù lâu dài với Sihanouk, làm phó thủ tướng. Ngoài các biến cố đó và các cuộc xung đột về quyền lợi trong giới thượng lưu tại Phnom Penh, tình trạng căng thẳng trong xã hội cũng tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho lực lượng cộng sản trong nước phát triển tại các vùng nông thôn.[13]

Cuộc nổi dậy tại Battambang

Hoàng thân Sihanouk lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để duy trì thế cân bằng đối lại những thành phần bảo thủ đang nổi lên, ông chỉ định lãnh đạo của chính phe nhóm mà trước đó ông ra tay đàn áp, làm thành viên của "chính phủ đối lập", với nhiệm vụ thị sát và chỉ trích chính quyền Lon Nol.[14] Một trong những ưu tiên hàng đầu của Lon Nol là giải quyết vấn đề kinh tế yếu kém bằng cách ngăn chặn việc buôn lậu gạo cho phía cộng sản. Binh lính được phái về các vùng sản xuất lúa để cưỡng bức trưng thu lương thực bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực, và chỉ trả cho nông dân bằng định giá thấp của chính phủ. Tình trạng bất ổn diễn ra khắp nơi, đặc biệt là tỉnh Battambang, nơi sản xuất nhiều lúa gạo, là nơi có sự hiện diện của nhiều địa chủ lớn, cũng là nơi có sự bất bình đẳng giàu nghèo sâu sắc, và nơi mà đảng cộng sản có ảnh hưởng.[15][16]

Ngày 11 tháng 3 năm 1967, khi Sihanouk đang công du Pháp, một cuộc bạo động diễn ra quanh khu vực Samlaut ở Battambang, khi nông dân phẫn nộ tấn công một toán quân thu thuế. Có lẽ nhận được sự hưởng ứng từ các cán bộ cộng sản địa phương, cuộc nổi dậy nhanh chóng lan ra khắp các vùng xung quanh.[17] Lon Nol tuyên bố tình trạng thiết quân luật (được Sihanouk đồng thuận).[18] Hàng trăm nông dân bị giết và làng mạc bị tàn phá hoàn toàn trong các cuộc đàn áp sau đó.[19] Sau khi trở về nước, Sihanouk từ bỏ chính sách trung dung và đích thân ra lệnh bắt giữ Khieu Samphan, Hou Yuon, và Hu Nim, các lãnh tụ của "chính phủ đối lập", tất cả những người này đều đào thoát về vùng đông bắc.[20]

Đồng thời, Sihanouk cũng ra lệnh bắt giữ các tay môi giới thương mại người Hoa tham gia các thương vụ buôn lậu thóc gạo, nhằm tăng lợi tức cho chính quyền, và xoa dịu phe bảo thủ. Lon Nol bị buộc phải từ chức, và trong một nước cờ chính trị đặc trưng, hoàng thân Sihanouk bổ nhiệm những thành viên cánh tả khác vào chính phủ để làm đối trọng với phe bảo thủ.[20] Cuộc khủng hoảng ngay trước mắt đã qua đi, nhưng nó để lại hai hệ quả. Thứ nhất, nó đẩy hàng ngàn người vào hàng ngũ lực lượng "nghĩa quân" cực đoan là Đảng cộng sản Campuchia (mà Sihanouk gọi là Khmer Đỏ). Thứ hai, với người nông dân, cái tên Lon Nol nay đồng nghĩa với sự đàn áp không ghê tay trên khắp Campuchia[21]

Những người cộng sản Campuchia tái tập hợp

Bài chi tiết: Khmer Đỏ

Trong khi cuộc nổi dậy năm 1967 xảy ra ngoài kế hoạch, thì Khmer Đỏ cố gắng tổ chức một cuộc nổi dậy lớn hơn vào năm sau, nhưng không đạt được mấy kết quả. Việc hoàng thân Sihanouk diệt trừ đảng đối lập cánh tả Prachea Chon và những người cộng sản đô thị mở đường cho Saloth Sar (còn được biết đến với tên gọi Pol Pot), Ieng Sary, và Son Sen—thủ lĩnh theo trường phái Mao của lực lượng nghĩa quân.[22] Họ đưa thuộc hạ về vùng cao nguyên ở đông bắc, vào lãnh thổ của người Khmer Loeu, là những bộ tộc người Thượng lạc hậu, vốn thù nghịch với cả những người Khmer đồng bằng và chính quyền trung ương. Với Khmer Đỏ, cho tới lúc đó vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phía Quân đội Nhân dân Việt Nam, đó là giai đoạn tái tập hợp lực lượng, tổ chức và huấn luyện. Hà Nội về cơ bản làm ngơ lực lượng đồng minh được Trung Quốc bảo trợ này và sự bàng quan của họ với "những người đồng chí anh em" trong giai đoạn nổi dậy từ năm 1967 - 1969 sẽ để lại ấn tượng không thể phai nhòa trong ban lãnh đạo Khmer Đỏ.[23][24]

Ngày 17 tháng 1 năm 1968, Khmer Đỏ tiến hành chiến dịch đầu tiên. Mục tiêu của chiến dịch này nhằm thu thập vũ khí và tuyên truyền hơn là chiếm đóng lãnh thổ, vì tại lúc đó, lực lượng cốt cán của phe nổi dậy không nhiều hơn 4.000–5.000 người.[25][26] Cùng thời gian, lực lượng cộng sản thiết lập Quân đội cách mạng Campuchia, là bộ phận quân sự của đảng cộng sản. Ngay từ giai đoạn cuối của cuộc nổi dậy tại Battambang, Sihanouk đã bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ của mình với những người cộng sản.[27] Thỏa thuận trước đó của ông với phía Trung Quốc không mang lại cho ông cái gì cả. Không những phía Trung Quốc không thể kiềm chế được lực lượng Bắc Việt, họ còn (thông qua Khmer Đỏ) tích cực tham gia phá hoại quốc gia của ông.[17]

Theo gợi ý của Lon Nol (vốn quay trở lại nội các dưới cương vị bộ trưởng quốc phòng tháng 11 năm 1968) và các chính trị gia bảo thủ khác, ngày 11 tháng 5 năm 1969, Sihanouk chào đón việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và thiết lập tân Chính phủ Cứu nguy Dân tộc, với Lon Nol làm thủ tướng.[28] Mục tiêu của việc này là "chơi một con bài mới, vì lực lượng cộng sản châu Á đã tấn công chúng ta từ trước cuộc chiến tranh Việt Nam".[29] Ngoài ra, việc trút giận vào lực lượng Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải Phóng Miền Nam thuận tiện hơn nhiều so với lực lượng Khmer Đỏ nhỏ yếu, và loại trừ sự hiện diện của họ tại Campuchia là một mũi tên trúng nhiều đích.[30] Phía Hoa Kỳ cũng nhân cơ hội đó để giải quyến khó khăn của chính bản thân họ tại Đông Nam Á.

Chiến dịch Menu

B-52 đang bỏ bom trong chiến tranh Việt Nam

Mặc dù Hoa Kỳ đã biết về sự tồn tại của các mật khu của lực lượng cộng sản Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Campuchia từ năm 1966, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson vẫn không cho tấn công các mật khu này, vì lo ngại phản ứng quốc tế, và rằng việc tấn công có thể khiến Sihanouk thay đổi lập trường.[31] Tuy nhiên, Johnson cũng cho phép các đội trinh sát thuộc Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam (hay SOG) xâm nhập Campuchia, thu thập tin tức tình báo về các mật khu năm 1967.[32] Việc Richard M. Nixon trúng cử tổng thống năm 1968 và việc Nixon đưa ra chính sách dần rút lui lực lượng Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam, cũng như chính sách Việt Nam hóa chiến tranh khiến tình hình thay đổi.

Ngày 18 tháng 3 năm 1969, theo các mệnh lệnh mật của Nixon, không lực Hoa Kỳ tiến hành ném bom mật khu 353 (khu vực mà người Mỹ gọi là Fishhook, đối diện với tỉnh Tây Ninh ở Việt Nam) với 59 pháo đài bay B-52. Cuộc tấn công này là cuộc không tập đầu tiên trong một loạt các cuộc không tập vào các mật khu của những người cộng sản, kéo dài cho tới tận tháng 5 năm 1970. Trong chiến dịch Menu, không lực Hoa Kỳ đã tiến hành 3.875 phi vụ, ném hơn 108.000 tấn bom vào khu vực biên giới phía đông của Campuchia.[33] Trong thời gian diễn ra chiến dịch, Sihanouk giữ yên lặng về những gì đang diễn ra, có lẽ vì hy vọng Hoa Kỳ có thể đẩy lực lượng Việt Nam khỏi lãnh thổ của mình. Về phía mình, Hà Nội cũng giữ yên lặng, vì không muốn đánh động về sự hiện diện của mình trên lãnh thổ "trung lập" Campuchia. Chiến dịch Menu được giữ bí mật với cả chính giới Quốc hội Hoa Kỳ và dân chúng cho tới tận năm 1973.